Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Dao là một trong những dân tộc thiểu số chiếm số lượng dân không nhiều. Mặc dù vậy những nét văn hóa truyền thống của người Dao lại vô cùng đặc biệt, góp phần tô điểm thêm cho sự đa dạng văn hóa tại Việt Nam. Trong các văn hóa truyền thống của người Dao, thủ tục đám cưới được người dân tộc Dao hết sức coi trọng. Vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về phong tục đám cưới người Dao tại Việt Nam thông qua bài viết này.
Giới thiệu về người dân tộc Dao ở Việt Nam
Mặc dù là một trong số những dân tộc tại Việt Nam Tuy nhiên người Dao lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những người Dao chuyển sang Việt Nam định cư từ thế kỷ XII, XIII cho đến đầu thế kỷ XX sau công nguyên. Người dân tộc Dao tự nhận mình là con cháu của Bàn Hồ tức Bàn Vương. Đây là một nhân vật huyền thoại được người dân tộc Dao cực kỳ kính trọng.
Người dân tộc Dao chủ yếu sống ở vùng biên giới Việt Trung và Việt Lào ở một số tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ như Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu hay Hòa Bình…
Người dân tộc Dao chủ yếu sống ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Phong tục đám cưới người Dao
Phong tục đám cưới người Dao vô cùng đặc biệt. Khác với nhiều dân tộc khác, theo phong tục đám cưới người Dao, trai gái người Dao khi muốn lấy nhau thì phải hợp tuổi và chỉ khi bói chân gà thấy hợp nhau mới được phép tiến đến kết hôn. Trước đây đám cưới của người Dao được thực hiện theo thủ tục truyền thống khá cầu kỳ và phức tạp. Tuy nhiên cho đến ngày nay các phong tục trong đám cưới người Dao đã được tinh giản và hiện đại hơn nhưng vẫn mang đậm những bản sắc văn hóa của họ.
Đoàn rước dâu của nhà trai
Theo phong tục đám cưới người Dao, đoàn rước dâu của nhà trai sẽ bao gồm hai thầy cúng và 9 người khác bao gồm 6 nam và 3 nữ. Đoàn rước dâu sẽ đi cùng với chú rể và mang theo các lễ vật như muối được gói trong giấy đỏ, trầu, cau, rượu, trà, bánh và một số loại trái cây…
Đoàn rước dâu của nhà trai sẽ không đi trực tiếp từ nhà trai sang nhà gái mà sẽ đi từ nhà trai sang nhà trọ đã được chuẩn bị trước và dừng lại tại đó. Khi tới nhà trọ, ba cô gái trong đoàn nhà trai sẽ thay đổi lễ phục. Lễ phục sẽ bao gồm nón bạc, trang phục truyền thống của người dân tộc Dao và các loại trang sức khác theo nghi lễ của đám cưới.
Đám cưới của người Dao được thực hiện theo những nghi thức đặc biệt
Các ải thách cưới của nhà gái
Các ải thách cưới của nhà gái là một phần không thể thiếu trong phong tục đám cưới người Dao. Đến giờ đẹp đoàn rước dâu của nhà trai sẽ sang nhà gái để đón dâu. Trên đường đi đoàn đón dâu sẽ bị chặn lại bởi các ải thách cưới của nhà gái. Cả 3 ải thách cưới này đều là các màn hát đối đáp giữa hai bên. Nhà trai sẽ phải hát đối đáp qua lại cho đến khi nhà gái đồng ý thì đoàn rước dâu của nhà trai mới được đi qua. Đặc biệt đoàn rước dâu của nhà trai cũng phải thưởng tiền cho những người hát đối đáp bên nhà gái trước khi qua mỗi ải thách cưới.
Lễ cưới tại nhà gái
Sau khi đã vượt qua cả 03 ải thách cưới của nhà gái đoàn nhà trai mới được bước vào nhà cô dâu và ngồi ở mâm riêng. Khi này bên nhà trai sẽ trao giấy khai sinh của chú rể để làm lễ Bản Mệnh. Kết thúc lễ Bản Mệnh đoàn nhà trai sẽ tạm rời khỏi nhà gái.
Sau khi đoàn nhà trai rời khỏi nhà gái sẽ dựng “cửa Bố Mẹ” – đây là một hình thức giống như những cửa ải thách cưới trước đó. Nhà gái sẽ mời nhà trai vào tiếp tục hát đối đáp nhau. Sau khi qua cửa ải này nhà trai sẽ xin làm lễ Hợp Chánh để kết duyên giữa cô dâu và chú rể.
Sau khi làm lễ xong, chú rể sẽ rời nhà gái để về nhà trọ còn cô dâu sẽ vào một buồng khác để nghỉ ngơi. Khi này nhà trai và nhà gái vẫn sẽ tiếp tục hát đối đáp với nhau cho đến sáng hôm sau. Theo phong tục đám cưới người Dao, cô dâu và chú rể sẽ cùng làm lễ bái đường vào buổi chiều rồi sẽ làm lễ Póng Diền để kết thúc hôn lễ tại nhà gái.
Lễ cưới tại nhà trai
Sau khi đã thực hiện xong lễ cưới tại nhà gái, đoàn rước dâu sẽ phải đi qua một cửa ải nữa đây là cửa ải do nhà trai lập ra. Trong ải này họ sẽ hát hỏi những người ở bên nhà gái lý do tới nhà trai. Sau khi bên nhà gái hát trả lời xong thì hai bên sẽ cùng vào nhà trai để làm lễ lại tổ tiên. Khi này ông Táo sẽ trao giấy khai sinh của cô dâu cho bên nhà trai để làm lễ nhận dâu. Sau đó hai bên tiếp tục hát đối đáp qua lại đến tận sáng hôm sau rồi mới chính thức kết thúc lễ cưới của người dân tộc Dao.
Đám cưới của dân tộc Dao có những thủ tục vô cùng đặc biệt. Hy vọng bài viết này của chúng tôi đã giúp các bạn hiểu hơn về những phong tục đám cưới người Dao và những nét đặc trưng văn hóa của người dân tộc Dao tại Việt Nam