Hát xoan là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận. Hát xoan đã có từ rất lâu và là nét văn hóa đặc trưng tại Phú Thọ. Hát xoan mang trong mình rất nhiều điểm đặc trưng độc đáo và thú vị. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc của hát xoan cũng như những điều thú vị về loại hình nghệ thuật này thông qua bài viết dưới đây.
Hát xoan là gì? Nguồn gốc của hát xoan có từ bao giờ?
Hát xoan là một trong những loại hình văn hóa – nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân tại Phú Thọ. Hát xoan còn được gọi với những cái tên khác như hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ hay hát Cửa đình…..
Hát xoan là một hình thức dân ca lễ nghi cổ truyền có nguồn gốc từ Phú thọ. Những hình thức nghệ thuật đa dạng như nhạc, hát, múa được kết hợp với nhau tạo nên một loại hình nghệ thuật mang tên hát xoan. Hát xoan thường được diễn ra vào những dịp đầu xuân ở các đình hay các miếu làng trong các dịp hát thờ Thần hay thờ Thành Hoàng.
Theo tương truyền và theo sử sách ghi lại thì hát xoan đã có lịch sử tồn tại hơn 2.000 năm. Cũng vì vậy mà hát xoan được xem là di sản văn hóa nghệ thuật dân gian hết sức quý báu của dân tộc. Từ thuở xa xưa người dân Văn Lang tức Phú Thọ ngày nay đã tổ chức các cuộc thi hát xoan vào đầu mùa xuân để đón chào năm mới. Hát Xoan được chia làm ba hình thức chính đó là hát thờ cúng các vị vua Hùng và Thành Hoàng làng, hát xoan, hát trong nghi lễ cầu mùa mới tốt tươi, cầu sức khỏe và cuối cùng là hình thức hát xoan giao duyên và những dịp đầu năm.
Hát xoan là hình thức văn hóa nghệ thuật cổ tại Phú Thọ
Nguồn gốc của hát xoan Phú Thọ
Hát xoan đã có từ rất lâu đời và bắt nguồn từ thời các vua Hùng. Về nguồn gốc của hát xoan cũng có rất nhiều câu chuyện khác nhau. Người dân tại Phú Thọ thường truyền tai nhau câu chuyện kể rằng xưa kia khi vợ vua Hùng đau đẻ lâu ngày mà không thể sinh nở, một nàng hầu gái ở bên cạnh bà đã về quê đón một nàng ca sĩ có tên Quế Hoa nổi tiếng hát hay, múa đẹp trong vùng tới hát cho vợ vua nghe.
Nàng Quế Hoa đến bên giường của vợ vua Hùng múa và hát. Nàng hát những câu hát hay tuyệt vời như tiếng suối, múa những điệu múa đẹp như ánh trăng. Vợ vua Hùng sau khi nghe nàng múa – hát đã ngay lập tức sinh được 3 hoàng tử tuấn tú. Cũng bởi vậy mà Vua Hùng rất vui, truyền cho các cung nữ trong cung học lại những điệu hát và múa của nàng Quế Hoa hoa. Vua cũng đặt tên những điệu hát múa đó là hát xuân. Dần dần những điệu hát múa xuân được lan truyền rộng rãi trong dân gian và được người dân gọi trái đi thành hát xoan.
Bên cạnh truyền thuyết kể trên thì cũng có một số nhà nghiên cứu âm nhạc cổ cho rằng hát xoan chỉ thực sự xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, tức vào thời Hậu Lê. Bởi trong những lời ca của hát xoan có những đặc điểm và hình thức giống như các đặc điểm văn chương của thế kỷ XV.
Hát xoan mang nhiều ý nghĩa vô cùng đặc biệt
Ý nghĩa đặc biệt của hát xoan
Cho dù xuất hiện từ khi nào và nguồn gốc của hát xoan có từ đâu thì cũng không thể phủ nhận hát xoan là một trong những truyền thống văn hóa – nghệ thuật có bề dày lịch sử lớn của dân tộc Việt Nam. Hát xoan có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng đồng. Trong suốt chặng đường phát triển của lịch sử, hát xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp nhau lưu truyền cho tới ngày nay.
Hát xoan cũng mang trong mình như ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bài hát Xoan được coi là tiếng hát để dâng lên các vua hùng trong dịp đầu xuân năm mới. Điệu hát Xoan chính là một phần không thể thiếu trong các hình thức nghi lễ thờ cúng của những người dân tại Phú Thọ.
Với những nét văn hóa độc đáo cùng lịch sử phát triển lâu đời, vào năm 2011 hát xoan đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên dưới những nỗ lực gìn giữ và phát triển không ngừng của người Việt, đặc biệt là những người dân tại Phú Thọ, vào năm 2017 UNESCO đã đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây cũng là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO một di sản văn hóa phi vật thể được đưa ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này cũng đã đánh dấu những bước đầu thành công của Phú Thọ trong việc quyết tâm giữ gìn và nỗ lực bảo vệ hát xoan.